Contents
Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở người trên 30 tuổi, bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống nếu không điều trị kịp thời. Vậy bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì và triệu chứng nhận biết như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, bệnh suy giãn tĩnh mạch tuy lành tính nhưng sẽ có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy cần có những kiến thức nhất định về bệnh để có biện pháp phòng ngừa.
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Trong cơ thể người, tĩnh mạch là một bộ phận của hệ thống tuần hoàn, trong lòng của tĩnh mạch được cấu tạo bởi một hệ thống van một chiều, chính vì thế máu chảy về tim từ tĩnh mạch cũng theo một chiều nhất định, không có hiện tượng máu chảy ngược trở lại. Chính nhờ đặc điểm cấu tạo đó nên các cơ quan dù ở xa tim nhưng máu vẫn hồi trở lại tim một cách nhịp nhàng và đều đặn.
Suy giãn tĩnh mạch (thường gặp ở tĩnh mạch nông) là tình trạng xảy ra khi khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng mạch bị tổn thương, dẫn đến tĩnh mạch bị giãn, chạy quanh co và có dòng máu chảy theo chiều trái ngược nhau.
Khi tĩnh mạch bị giãn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu về tim, khi đó được gọi là bệnh giãn tĩnh mạch.
Triệu chứng nhận biết bệnh suy giãn tĩnh mạch là gì?
Người bị suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện những đám tĩnh mạch nổi lên ngoằn ngoèo, tạo thành từng búi nằm ngay sát dưới da chi dưới (khoeo chân, cẳng chân, bắp chân, cổ chân, có khi gặp cả vùng đùi). Vùng tĩnh mạch bị giãn thì màu da thường có màu xanh.
Tình trạng giãn tĩnh mạch ở mức độ nhẹ hay nặng không liên quan nhiều đến số lượng cũng như kích thước tĩnh mạch bị giãn.
Nếu bị suy giãn tĩnh mạch ở chân thì triệu chứng thường gặp nhất đầu tiên đó là người bệnh có cảm giác nặng chân, mỏi chân, kèm theo đứng lên ngồi xuống rất khó khăn.
Người bệnh có thể cảm thấy rát, đau âm ỉ ở vùng da có tĩnh mạch bị giãn. Một số trường hợp bị chuột rút về đêm. Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm hoặc mất đi khi người bệnh kê hai chân cao bằng một chiếc gối có độ dày vừa phải để giúp máu lưu thông được dễ dàng.
Chuột rút là một biểu hiện có thể gặp phải khi bị suy giãn tĩnh mạch nhưng không phải cứ bị chuột rút là bị suy giãn tĩnh mạch (bởi chuột rút có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như đái tháo đường, thiếu nước, cơ thể thiếu chất điện giải…)
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch là gì?
Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch có thể kể đến bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
- Thừa cân, béo phì.
- Ít tập thể dục, hút thuốc, đứng hay ngồi quá lâu.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch hơn nam giới.
- Tuổi tác: Suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở độ tuổi từ 30 đến 70.
- Phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch, tuy nhiên thường hồi phục trong vòng một năm sau khi sinh. Trường hợp phụ nữ mang thai nhiều lần có thể bị suy giãn tĩnh mạch vĩnh viễn.
Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch nếu như không điều trị sớm, bệnh sẽ ngày càng chuyển biến nghiêm trọng hơn gây ra những biến chứng nguy hiểm. Suy giãn tĩnh mạch có thể gây đau mỏi, gây ra những thay đổi ở da như phát ban, đỏ da, loét da, nhiễm khuẩn. Hậu quả nặng nề nhất trong giãn tĩnh mạch chân là máu bị ứ đọng trong lòng mạch lâu ngày dễ hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, cục máu đông ngăn cản máu lưu thông lên não gây ra thiểu năng tuần hoàn não, thậm chí đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.
Chính vì thế khi phát hiện triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch, người bệnh cần đi khám để điều trị sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Người bị suy giãn tĩnh mạch nên đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày đủ dinh dưỡng, giàu vitamin đồng thời có đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc… để tránh bị táo bón; cần kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân béo phì, nếu quá béo thì cần giảm cân. Bên cạnh đó cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày (nhu cầu nước mỗi ngày cho cơ thể một người lớn là 2 lít nước). Ngoài ra người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả.